Cá voi dài 5,8 m, nặng gần một tấn, nổi thoi thóp cách bờ biển huyện Cẩm Xuyên khoảng 2 km. Được đưa vào bờ, vài chục phút sau cá chết.
6h sáng 8/8, ông Trần Văn Toan, 53 tuổi, phát hiện cá voi không cử động, thở yếu. Ông lấy dây thừng cột vào đuôi cá, lái thuyền máy kéo vào bờ.
"Do cá quá nặng, di chuyển vài chục phút bị mệt nên tôi gọi điện cho hai người họ hàng, đề nghị họ lái thêm một thuyền máy đến hỗ trợ. Đến 8h, cá được đưa vào bờ biển xã Cẩm Lĩnh, vài chục phút sau thì chết", ông Toan nói.
Ông Toan (góc phải) cùng người thân đưa cá voi nặng gần một tấn vào bờ biển xã Cẩm Lĩnh, lúc 8h ngày 8/8. Ảnh: Đức Hùng
Cá voi lưng màu đen, bụng màu bạc, đường kính giữa thân khoảng 50 cm, được xác định bị đau ốm dài ngày.
"Vùng biển huyện Cẩm Xuyên thỉnh thoảng vẫn xuất hiện cá voi, song kích thước nhỏ. Đây là con cá voi có hình dáng và cân nặng lớn nhất từ trước tới nay được ghi nhận tại địa bàn", ông Toan cho hay.
Máy xúc đào hố chôn cất cá voi, trưa 8/8. Ảnh: Đức Hùng
Trưa nay, chính quyền địa phương đã điều máy xúc đưa cá lên bờ để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều người đang đào hố, làm lễ chôn cất cá tại bãi đất trống ven biển ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên.
Cá voi hay còn gọi là cá ông, tên khoa học Cetacea, gồm khoảng 90 loài, hầu hết sinh sống ở các đại dương lớn. Cá voi được xếp vào dòng động vật có vú nhưng do sống trong môi trường nước nên vẫn được gọi là cá. Tại Việt Nam, vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng... từng ghi nhận cá voi dạt vào bờ.
Ông Toan kéo cá voi vào bờ. Ảnh: Đức Hùng
Theo: vnexpress