Một bé trai ở Kiên Giang bị ngộ độc cấp, suy gan thận sau khi uống một chai nước. Người thân không biết bên trong chai là keo dán thuyền và dung môi hữu cơ.
Bệnh nhân là bé D.X.Q (22 tháng tuổi), ngụ tại Kiên Giang. Bé Q. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong tình trạng lơ mơ, ngộ độc cấp do uống nhầm hóa chất.
Khai thác bệnh sử ghi nhận cha của bé mua keo composite dán thuyền và dung môi dùng kèm perodoxide hữu cơ trong suốt, đựng trong một chai nước suối.
Khi bé khát nước, người thân đưa chai nước cho uống. Do dung môi rất hôi nên cậu bé nôn ói liên tục sau khi uống. Người nhà đưa em đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển ngay lên TP.HCM. Bác sĩ nhận định perodoxide hữu cơ là hoá chất gây ngộ độc.
Bệnh nhi được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Ảnh: BVCC.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, các độc tố và chỉ số viêm của bé tăng rất cao. Bé trai được chỉ định lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ 3 chu kì do ngộ độc chất không tan, tổn thương gan thận nặng.
Sau khi lọc máu, các chỉ số trở về gần như bình thường, chức năng các cơ quan được cải thiện. Trẻ hiện đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và dự kiến xuất viện khi đủ điều kiện.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cảnh giác, để các chất độc như thuốc trừ sâu, dung môi hữu cơ… ở xa tầm tay trẻ em. Các hoá chất đựng trong chai lọ thông thường dễ gây nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc cấp và nguy hiểm tính mạng của trẻ.
Một trường hợp khác phải lọc máu là bé gái D.N.T.D. bị ong vò vẽ đốt hơn 40 vết. Độc tố lan nhanh và gây tổn thương nặng đa cơ quan, rối loạn đông máu. Bé D. được chỉ định chạy ECMO, lọc máu liên tục và lọc hấp phụ nhằm lấy chất độc và giải quyết tình trạng "cơn bão cytokin" do ong đốt gây ra. Bệnh nhi hiện đã qua cơn nguy kịch.
Lọc máu hấp phụ bằng quả lọc resin được dùng rộng rãi với nhiều chỉ định ở người lớn. Ở trẻ nhỏ, các bác sĩ áp dụng trong các tình huống như bệnh nhi ngộ độc cấp, cơn bão cytokin hoặc nhiễm trùng huyết suy đa cơ quan... Nhiều trường hợp tại Bệnh viện Nhi đồng TP đã được cứu sống nhờ kỹ thuật trên.
Người đàn ông bị ong đốt 300 nốt khắp cơ thểTheo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thời điểm chuyển mùa, ong sinh sôi nhiều nên số lượng bệnh nhân bị đốt thường gia tăng.
Bình luận
Theo: Nguồn vietnamnet.vn