- Từ khi làm hiệu trưởng, bạn bè bảo tôi nhàu đi trông thấy. Cuối năm 2019, tôi tiếp cận khái niệm trường học hạnh phúc.
Ngày 26/10/2020, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng gửi tới thầy hiệu trưởng này Bằng xác lập Ý chí Kỷ lục Việt Nam với nội dung "Người khống chế bóng bằng chân, bằng đầu, bằng vai khi đi bộ liên tục trong 2 giờ với quãng đường dài 8,5km để kêu gọi quyên góp giúp đỡ học sinh mồ côi".
Thầy giáo ấy là Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Thầy Mạnh cũng là một trong những hiệu trưởng tiên phong "gieo mầm" mô hình trường học hạnh phúc ở Vĩnh Yên, là hiệu trưởng hiếm hoi nỗ lực lập kỷ lục để kêu gọi giúp đỡ học sinh mồ côi.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Câu chuyện của chúng tôi với thầy Đào Chí Mạnh (Trường tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) bắt đầu bởi từ khóa "trường học hạnh phúc". Anh nói, mình từng là tín đồ của nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức nhưng sự thay đổi trước khi chờ đợi đã giúp thầy cô cũng như phụ huynh, học sinh tiếp cận hai từ "hạnh phúc".
"Ngày đó tôi thấy làm hiệu trưởng sao mà khổ thế, rất áp lực. Và khi tôi mới làm hiệu trưởng rất nhiều thầy cô, bạn bè đồng nghiệp nói với tôi là "nhàu đi trông thấy".
Thế rồi cuối năm 2019, tôi được tiếp cận với khái niệm trường học hạnh phúc. Hai tiếng "hạnh phúc" có sức hút mãnh liệt với tôi, giống cơn mưa rào gieo vào cánh đồng khô hạn vì áp lực.
Cùng với sự chuyển mình của giáo dục, sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh, tôi cho rằng nhà trường cần phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi trước chứ không chờ đợi. Từ đó, tôi trăn trở tìm hướng đi riêng cho ngôi trường mình đang công tác", thầy Mạnh nói.
Được biết thầy Đào Chí Mạnh vốn là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều năm liền là lãnh đội của đội tuyển Toán tuổi thơ của tỉnh Vĩnh Phúc tham dự sân chơi toàn quốc và là một trong những tỉnh đứng đầu của cả nước.
Năm 2016, anh được phân công về làm hiệu trưởng ở một ngôi trường tiểu học mới thành lập ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngôi trường mang tên cố bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc - người được mệnh danh tiên phong trên hành trình đổi mới. Đó là Trường tiểu học Kim Ngọc.
"Những ngày mới thành lập, trường rất khó khăn, thậm chí trước đó mấy năm còn bị bỏ hoang, cơ sở vật chất cũ kĩ. Chính sự khó khăn của nhà trường, cùng với sự non trẻ khiến cho phụ huynh rất băn khoăn, e dè khi quyết định gửi con ở trường. Trong rất nhiều khó khăn tôi mới kể ra đây, có một khó khăn khiến tôi trăn trở và nhọc nhằn nhất là việc thiếu giáo viên.
Một thời gian dài, trường rơi vào hoàn cảnh cứ hai lớp mới có một giáo viên và tại trường có một nhân viên.
"Nếu không tìm ra sự khác biệt, thì sẽ không có học sinh bởi nhà trường có rất nhiều khó khăn".
Khó khăn rất nhiều nhưng tôi không kể nữa bởi không trường nào không có khó khăn, không khó khăn này thì khó khăn khác, ở đâu cũng có khó khăn và tôi không muốn mang tiếng mắc bệnh "than", nhà giáo này cho hay.
Thế rồi anh nói với các thầy cô trong trường rằng, nếu không tìm ra sự khác biệt, thì sẽ không có học sinh bởi chúng ta có rất nhiều khó khăn, ấy là cơ sở vật chất, thiếu giáo viên…
Phụ huynh rất thông thái, họ sẽ lựa chọn những trường có điểm mới và có giá trị thiết thực cho con em mình theo học. Và nhà trường sẽ không có sản phẩm mới nếu vẫn dựa trên cách làm cũ.
"Từ đó, tôi và các thầy cô đi tìm sự thay đổi. Sự thay đổi diễn ra từ từ, không phải một sớm một chiều bởi nhu cầu của phụ huynh không giống nhau. Thậm chí trong đội ngũ thầy cô vẫn tồn tại nhiều nếp cũ, thói quen cũ, phương pháp cũ nên phải thay đổi dần dà", thầy Mạnh nhớ lại.
Để thay đổi, thầy Mạnh bắt đầu cho phát huy điểm mạnh của nhà trường, bắt đầu từ việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Sau đó, trên tinh thần tự nguyện, linh hoạt, thầy Mạnh bắt đầu cho lồng ghép các hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, những hoạt động về toán, tiếng Việt, tiếng Anh cũng được đổi mới theo hướng nâng cao năng lực học sinh, không còn lối thầy đọc trò chép và ghi nhớ nữa.
Ở các câu lạc bộ em yêu Toán, CLB em yêu tiếng Việt, CLB tiếng Anh… các em tự tổ chức quản lý các hoạt động học tập của mình. Các em tự phản biện lẫn nhau, giáo viên chỉ là người gợi mở và uốn nắn các em mà thôi. Nhà trường thuyết phục thầy cô ở trên lớp hãy trao thật nhiều quyền cho học sinh để các em tự khám phá, chẳng hạn nâng cao năng lực cá nhân và tự học trước khi làm việc nhóm rồi tự phản biện lẫn nhau.
Nhà trường thuyết phục thầy cô ở trên lớp hãy trao thật nhiều quyền cho học sinh để các em tự khám phá, nâng cao năng lực.
"Chúng tôi thực hành việc không giao bài tập về nhà trong tuần để tạo thật nhiều cơ hội hạnh phúc cho giáo viên, học sinh, phụ huynh mỗi tối. Chúng tôi không bắt đem cặp sách về nhà trong tuần, thay vào đó các em có thể học mà chơi, chơi mà học như: Xem đội tuyển Việt Nam thi đấu và phát biểu cảm nghĩ của mình. Hay đối với lớp 1, học sinh có thể giới thiệu về gia đình cho thầy cô bạn bè nghe và ngược lại, sau đó ghi lại clip gửi lên nhóm lớp cho các bạn học để tăng năng lực cho các con.
Chẳng hạn thay vì các con nhận được một khay cơm nguội lạnh, chúng tôi tổ chức cho các em chia khẩu phần ăn cho nhau, nhằm nâng cao năng lực tự phục vụ và kĩ năng xếp hàng cho các con….
Đó là những việc nhỏ bé mà chúng tôi đã thực hiện trước khi biết đến khái niệm trường học hạnh phúc. Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, phải nỗ lực làm tất cả những điều cần thiết nhất cho học sinh chứ không hề nghĩ đến khái niệm trường học hạnh phúc", thầy Mạnh kể.
Sau một thời gian ngắn áp dụng những việc làm rất nhỏ bé ở Trường tiểu học Kim Ngọc, nhà trường nhận được kết quả thật nhiệm màu. Từ một ngôi trường với 385 học sinh, sau 5 năm, Trường tiểu học Kim Ngọc có hơn 1.000 học sinh và có rất nhiều em vượt qua cả chục cây số qua những trường khác, những huyện khác để đến theo học ở Trường tiểu học Kim Ngọc.
Thầy Mạnh tập tâng bóng để xác lập kỉ lục, giúp trẻ mồ côi.
Từ đó, uy tín và thương hiệu của nhà trường cũng tăng lên, đưa trường vào top 10 trường tiểu học đáng theo học nhất Vĩnh Phúc. "Đặc biệt điều khiến tôi vui nhất là các thầy cô thoải mái hơn, trẻ trung hơn, xinh đẹp hơnmỗi ngày đến trường, trong đó có bản thân tôi", thầy Mạnh cho hay.
Thế rồi thầy Mạnh được chuyển đến Trường tiểu học Hội Hợp B với hành trang là bài học kinh nghiệm quý báu từ buổi ban đầu khi bắt đầu ước mơ về trường học hạnh phúc.
Có thể với nhiều người, thay đổi là điều gì đó khá ngại ngùng nhưng với thầy giáo này, đây là cơ hội để tiếp tục bài học thành công có, thất bại có, nhằm áp dụng lên ngôi trường mới.
Nhờ kinh nghiệm những ngày đầu ở Trường tiểu học Kim Ngọc, thầy Mạnh đến trường mới với những bước đi bài bản hơn, căn cơ hơn, có kế hoạch hơn và hiệu quả nhanh hơn.
Sau hơn nửa năm học, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh, học sinh, thầy cô học on/off đan xen nhưng ngôi trường Hội Hợp B đã có rất nhiều thay đổi hiệu quả.
"Đứng trước điều nào không như ý, tôi thuyết phục các thầy cô hãy soi vào 5 giá trị cốt lõi: Chúng ta đã yêu thương nhau chưa, đã gây cho nhau cảm giác an toàn về tâm lý chưa, chúng ta đã được hiểu và hiểu người khác chưa?…. Điều đó đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, giảm nhiều áp lực cho Ban giám hiệu và giáo viên cũng như phụ huynh học sinh.
Hành trình đi đến trường học hạnh phúc của tôi là một hành trình rất tự nhiên, dựa trên hai từ khóa "trách nhiệm" và "quan tâm". Trách nhiệm là mỗi chúng ta thực hiện tốt chức trách của mình trong công việc để tránh những va chạm tiêu cực về cảm xúc giữa từng người trong nội bộ, từ đó quan tâm nhau hơn để tạo ra những cảm xúc tích cực cho đội ngũ giáo viên, tạo ra nhiều cơ hội để họ tiếp cận được những nguồn cảm xúc tích cực và được hạnh phúc.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 vừa bắt đầu hoành hành, thầy Đào Chí Mạnh được giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc trao giấy khen và thưởng "nóng" vì chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ học để phòng chống Covid-19.
Ngay sau khi học sinh phải nghỉ học trực tiếp để chống dịch, thời điểm ấy việc dạy trực tuyến đang còn nhiều khó khăn, thầy Đào Chí Mạnh đã thông báo dạy học trực tuyến trên trang cá nhân, đồng thời trên hệ thống phần mềmdo thầy sáng lập.
Thầy Mạnh đã tạo 5 lớp cho 5 khối lớp và trực tiếp chủ nhiệm. Chỉ sau 4 ngày, 5 lớp học trực tuyến đã có khoảng gần 2.000 học sinh, gồm cả học sinh các trường khác theo học.
Số lượng học sinh tham gia học trên 2 kênh tăng lên nhanh chóng. Có tiết dạy lên tới 4.000 lượt xem. Lượt tương tác hiện tại trong một ngày lên tới 6.000 - 7.000 học sinh.
Thầy Mạnh chia sẻ, đối với các thầy cô lớn tuổi, việc áp dụng CNTT vào giảng dạy nếu không được thực hiện khéo léo sẽ vô tình tạo ra áp lực đối với họ. Vì vậy việc đổi mới phải từ từ, tạo động lực điều kiện cho thầy cô dần dần tiếp cận và nhất là hiệu trưởng phải luôn làm gương trong việc đổi mới.
Cũng trong năm 2020, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng gửi tới thầy hiệu trưởng này Bằng xác lập Ý chí Kỷ lục Việt Nam với nội dung "Người khống chế bóng bằng chân, bằng đầu, bằng vai khi đi bộ liên tục trong 2 giờ với quãng đường dài 8,5km để kêu gọi quyên gópgiúp đỡ học sinh mồ côi" khiến nhiều người cảm động.
Quyết tâm xác lập kỷ lục của thầy Mạnh khởi nguồn từ tai nạn đau lòng của vợ chồng người bạn thân: "Sau tai nạn kinh hoàng đó, hai con của bạn thân tôi bỗng nhiên mồ côi. Đột ngột, đau đớn, tôi đã tăng cường tập luyện để xác lập kỷ lục Việt Nam về tâng bóng đi bộ nhằm kêu gọi sự đồng cảm, lòng nhân ái của các tập thể, cá nhân quyên góp vật chất giúp đỡ các cháu", thầy Mạnh nói.
Trở lại với việc "gieo mầm" trường học hạnh phúc, theo thầy Đào Chí Mạnh, hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nên trường học hạnh phúc: "Chúng tôi cho rằng trường học hạnh phúc thực chất là nhà trường hạnh phúc mới có thể khiến học sinh hạnh phúc. Và để trường học hạnh phúc được thì người đầu tiên hạnh phúc phải là hiệu trưởng".
Trong 5 giá trị cốt lõi, điều mà thầy giáo này tâm đắc nhất ấy là hiệu trưởng phải hiểu được sức mạnh thật sự của người lãnh đạo nằm ở 2 từ "uy" và "ân".
"Nhiều người bảo tôi làm hiệu trưởng không có uy lắm. Uy là phải đập tay đánh rầm, phải quát nạt nhưng tôi không nghĩ thế. "Uy" và "ân" là sự sẻ chia, là bao dung thấu cảm, thậm chí bỏ qua lỗi lầm của người khác. Kết hợp được uy và ân có thể tạo ra sức mạnh từ bên trong của người hiệu trưởng, khiến giáo viên có động lực thay đổi, tạo ra những giá trị tích cực cho nhà trường và xã hội.
Chúng tôi cho rằng, hạnh phúc không phải là một điểm đến mà là hành trình chúng ta đang đi, hành trình đó phải có những cảm xúc tích cực, rất cần sự kiên trì từ những điều nhỏ bé nhất mang giá trị lan tỏa đến cộng đồng mà đơn giản nhất là xuất phát từ sự thay đổi của chính bản thân mỗi chúng ta.
Trên hành trình xây dựng trường học hạnh phúc có vô vàn những điều khó khăn nhưng có một điều mà chúng ta nhất định làm được là tất cả những gì chúng ta có thể làm là làm những điều chúng ta có thể", thầy Mạnh nói.
Theo: dantri.com.vn