- Với công thức làm chân gà sả tắc dưới đây bạn sẽ có một món thơm ngon hoàn hảo, ai cũng phải gật gù khen khéo.Nguyên liệu chân gà ngâm sả tắc
Nguyên liệu chân gà ngâm sả tắc
Chân gà 1 kg
Sả 7 cây
Tắc 200 gr
Tỏi 1 củ
Hành tím 5 củ
Chanh 4 trái
Ớt sừng 10 trái
Rượu gạo 1 ít
Nước mắm 1 chén
Gia vị: Muối, đường 1 ít
Cách làm chân gà sả tắc ngon
Bước 1: Sơ chế chân gà
Bạn rửa sạch chân gà với 1 ít muối, rồi chặt làm đôi và đem đi luộc. Bạn cho vào nước luộc chân gà khoảng 1 muỗng cà phê muối, 1 ít rượu gạo, 2 cây sả và 5 củ hành tím đập dập rồi đun đến khi sôi thì tắt bếp.
Để giữ được độ giòn, bạn cho chân gà ra thau nước có đá ngâm trong vòng 15 phút. Sau đó, bạn vớt chân gà ra để cho ráo nước.
Bước 2: Làm nước sốt ngâm chân gà
Bạn bắc nồi lên bếp, rồi cho 1 bát nước mắm vào đun sôi rồi đổ thêm 2 chén đường vào nồi, tiếp tục đun với lửa vừa. Đợi đến khi hỗn hợp sôi thì tắt bếp và để nguội. Tiếp theo, bạn cắt lát 5 cây sả, 200gr tắc, 3 trái ớt, xay hoặc giã nhỏ tỏi và 7 trái ớt còn lại, vắt lấy 1/2 chén nước cốt chanh.
Bước 3: Ngâm chân gà
Sau khi đã sơ chế các nguyên liệu thì bạn cho chân gà vào thau, rồi lần lượt cho tỏi, ớt xay, ớt sừng, tắc, sả cắt lát, nước sốt để nguội vào và trộn đều tất cả. Tiếp đến, bạn để thau chân gà đã trộn ở nhiệt độ thường 1 giờ, sau đó bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Bước 4: Thành phẩm
Chân gà ngâm sả tắc có màu sắc xanh đỏ bắt mắt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được chân gà giòn sần sật, vị chua cay cùng mùi thơm sả tắc hòa quyện với nhau, cực cuốn hút.
Cách chọn chân gà ngon
Quan sát bên ngoài: Chân gà bị bơm nước khi quan sát bên ngoài thấy sẽ khá mập, chân căng phồng, lớp da không bị nhăn, kích thước các chân đều nhau. Nếu chân xuất hiện các dị tật, nổi cục u nần, máu tụ thì có thể đây là chân từ gà bệnh, bạn cũng không nên chọn những chân gà bị dập nát hay lớp da bị trầy xước vì có thể chân gà đã được bảo quản lâu.
Quan sát bên ngoài chân gà: Sự co dãn ở khớp chânChân gà tươi ngon thường có 4 ngón cong hướng vào bên trong, khi nhấn mạnh thì mới căng phồng ra. Đối với chân gà ngâm nước các ngón căng phồng tách xa nhau, xòe rộng, các khớp không còn linh hoạt.
Quan sát màu sắc chân gà: Chân gà tươi ngon sẽ có màu trắng hồng tự nhiên, phần xương bên trong còn đỏ. Bạn không nên chọn những chân gà có màu sắc lạ, xuất hiện các đốm đỏ, các vết xanh tím đôi lúc ánh xanh nhẹ hoặc màu ngả vàng.
Sờ vào chân gà: Khi sờ vào chân gà không bị nhớt hoặc ẩm ướt ở tay, cầm lên cảm giác chắc tay, lớp da săn chắc có độ đàn hồi thì đó là chân gà còn tươi mới. Nếu khi ấn vào cảm giác bùng nhùng như có túi khí bên trong hoặc lớp da bị chảy tuột thì đó là chân gà đã bị ngâm đá lạnh để lâu ngày, từ gà bệnh.
Theo: Nguồn phunutoday.vn