Ngoài sử dụng vaccine virus bất hoạt, châu Âu và Mỹ dùng thuốc kháng virus để điều trị cho người mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Hiện châu Âu chỉ có một loại vaccine ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ là Jynneos của Bavaria Nordic. Jynneos sử dụng virus đã bất hoạt, không thể sao chép. Như vậy, virus đậu mùa trong vaccine không lây lan trong cơ thể. Vaccine được tiêm hai mũi, cách nhau 4 tuần.
Mỹ cũng ký hợp đồng trị giá 119 triệu USD với Bavaria Nordic mua 13 triệu liệu vaccine Jynneos, sau khi một người đàn ông ở bang Massachusetts được chẩn đoán nhiễm bệnh. Vaccine Jynneos vốn được dùng để điều trị bệnh đậu mùa, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại vaccine này để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019.
Virus đậu mùa khỉ liên quan mật thiết đến virus gây bệnh đậu mùa. Vì vậy, vaccine đậu mùa có thể bảo vệ cộng đồng khỏi cả bệnh đậu mùa khỉ. Dữ liệu từ châu Phi cho thấy vaccine đậu mùa hiệu quả ít nhất 85% trong việc ngăn ngừa virus lây nhiễm. Hiệu quả của Jynneos với đậu mùa khỉ được rút ra từ nghiên cứu lâm sàng về tính miễn dịch và nghiên cứu tiền lâm sàng trước đó.
Vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ hiệu quả nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với virus. Các chuyên gia cũng cho rằng tiêm ngay sau khi lây nhiễm có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc làm cho các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.
Lọ mô phỏng vaccine ngăn ngừa đậu mùa khỉ, ngày 22/5. Ảnh: Reuters
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết vaccine đạt tác dụng bảo vệ cao nhất nếu tiêm càng sớm càng tốt. Đối với người đã phơi nhiễm, nên tiêm trong vòng 4 ngày để ngăn ngừa và giảm thiểu triệu chứng.
Ngoài ra, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể điều trị bằng các loại thuốc như Cidofovir, Brincidofovir, Tecovirimat, huyết thanh (Globulin) miễn dịch. CDC lưu ý các nhóm thuốc này đều chưa có dữ liệu về hiệu quả.
Cidofovir và Brincidofovir được chứng minh chống lại các virus thuộc họ poxvirus (có thể gây ra đậu mùa) trong các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm. Các nhà khoa học vẫn chưa biết thuốc có thể điều trị cho người có triệu chứng nặng hay không. Brincidofovir có tính an toàn cao hơn Cidofovir. Giới chuyên gia chưa có ghi nhận về độc tính trên thận hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc.
Tecovirimat hiệu quả điều trị các virus thuộc chi orthopoxvirus (nằm trong họ poxvirus) có thể gây ra đậu mùa. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc an toàn và dung nạp tốt, chỉ gây ra tác dụng phụ không đáng kể.
Các chuyên gia chưa rõ huyết thanh (Globulin) được CDC xem xét sử dụng dự phòng cho người bệnh nền suy yếu miễn dịch phơi nhiễm virus đậu mùa.
WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát, truy vết tiếp xúc và quản lý các ca nhiễm. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo việc mua sắm thuốc và vaccine một cách ồ ạt, bừa bãi khi ca nhiễm còn tương đối thấp sẽ để lại tác động tiêu cực. Theo số liệu mới nhất, Anh ghi nhận 70 trường hợp, các nước châu Âu còn lại báo cáo 67 người mắc đậu mùa khỉ.
Thục Linh (Theo CDC, CNN)
Theo: vnexpress.net